BỘ THƯƠNG MẠI |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2002/QĐ-BTM |
Hà Nội, ngày 02 tháng 1 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ THƯƠNG MẠI SỐ 02/2002/QĐ-BTM NGÀY 02 THÁNG 1 NĂM 2002 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ XÉT THƯỞNG XUẤT KHẨU
BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
Căn cứ Nghị định số 95/CP ngày 4/12/1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thương mại;
Căn cứ Quyết định số 195/1999/QĐ-TTg ngày 27/9/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc lập, sử dụng và quản lý Quỹ hỗ trợ xuất khẩu;
Sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy chế xét thưởng xuất khẩu.
Điều 2. Các cơ quan chức năng của Bộ Thương mại và của các Bộ, Ngành có liên quan và các thương nhân xuất khẩu trực tiếp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và áp dụng cho việc khen thưởng thành tích trong hoạt động xuất khẩu từ năm 2001. Quyết định này thay thế cho các Quyết định của Bộ Thương mại đã ban hành trước đây về Quy chế xét thưởng xuất khẩu.
Vũ Khoan (Đã ký) |
QUY CHẾ
XÉT THƯỞNG XUẤT KHẨU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 02/2002/QĐ-BTM ngày 02/1/2002 của Bộ trưởng Bộ Thương mại)
Chương 1
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy chế này quy định việc xét thưởng thành tích xuất khẩu từ năm 2001 theo Quyết định số 195/1999/QĐ-TTg ngày 27/9/1999 của Chính phủ.
Điều 2. Hàng năm Bộ Tài chính chi thưởng xuất khẩu (từ Quỹ Hỗ trợ xuất khẩu) cho các thương nhân đạt các tiêu chuẩn quy định trong quy chế này theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Thương mại.
Điều 3. Những mặt hàng xuất khẩu đề nghị xét thưởng xuất khẩu là những mặt hàng Nhà nước không cấm xuất khẩu (trừ mặt hàng dầu thô, hàng xuất khẩu theo hạng ngạch, chỉ tiêu được phân giao theo các hợp đồng Chính phủ). Kim ngạch xuất khẩu tính theo trị giá FOB xuất khẩu chính ngạch và xuất khẩu tiểu ngạch (không tính trị giá hàng tạm nhập, tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng đổi hàng trong trường hợp có quy định riêng).
Chương 2
ĐỐI TƯỢNG, TIÊU CHUẨN XÉT KHEN THƯỞNG VÀ MỨC THƯỞNG
Điều 4. Cá nhân, pháp nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình (dưới đây gọi chung là thương nhân) được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam có thành tích xuất khẩu trực tiếp đạt tiêu chuẩn quy định tại Điều 5 dưới đây đều được xét khen thưởng theo Quy chế này.
Điều 5. Tiêu chuẩn xét khen thưởng:
Tiêu chuẩn 5.1 - Xuất khẩu mặt hàng (hoặc một chủng loại mặt hàng) sản xuất tại Việt Nam mà lần đầu tiên xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, được bổ sung vào danh mục hàng xuất khẩu của Việt Nam (không phải là mặt hàng hoặc chủng loại mặt hàng mà lần đầu tiên thương nhân xuất khẩu được ra thị trường nước ngoài) và/hoặc lần đầu tiên xuất khẩu ra thị trường xuất khẩu mới (một hoặc nhiều thị trường mới đối với một mặt hàng hoặc một chủng loại mặt hàng) có hiệu quả với kim ngạch đạt từ 100.000 USD/năm trở lên. Riêng đối với các tỉnh miền núi, hải đảo kim ngạch đạt từ 50.000 USD/năm trở lên. Thành tích về mặt hàng nào tính riêng cho mặt hàng đó, không tính gộp kim ngạch nhiều mặt hàng của thương nhân để xét thưởng.
Tiêu chuẩn 5.2 - Xuất khẩu có hiệu quả với tổng kim ngạch xuất khẩu của thương nhân năm sau cao hơn năm trước theo mức quy định, trước mắt áp dụng mức tăng trưởng là 20%, và mức tăng tuyệt đối phải đạt từ 400.000 USD trở lên, riêng miền núi, hải đảo là 15% và mức tăng tuyệt đối từ 200 USD trở lên.
Tiêu chuẩn 5.3 - Các mặt hàng xuất khẩu có chất lượng cao được huy chương tại triển lãm, hội chợ quốc tế tổ chức ở nước ngoài hoặc được các tổ chức quốc tế về chất lượng hàng hoá cấp chứng chỉ hoặc xác nhận bằng văn bản.
Tiêu chuẩn 5.4 - Xuất khẩu mặt hàng được gia công, chế biến bằng nguyên vật liệu trong nước chiếm 60% trị giá trở lên hoặc mặt hàng sản xuất thu hút nhiều lao động theo quy định hiện hành của Nhà nước như: hàng thủ công mỹ nghệ, hàng nông, lâm, thuỷ hải sản, hàng may mặc, giầy dép…, với mức kim ngạch xuất khẩu của thương nhân về những loại hàng này đạt từ 10 triệu USD/năm trở lên. Riêng đối với hàng thủ công mỹ nghệ, hàng hoa quả, thịt lợn từ 3 triệu USD/năm trở lên.
Tiêu chuẩn 5.5 - Xuất khẩu các mặt hàng ngoài hạn ngạch, ngoài chỉ tiêu được phân giao đạt kim ngạch từ 50 triệu USD/năm trở lên.
Đối với thương nhân đạt tiêu chuẩn 5.4, 5.5 từ năm thứ hai trở đi, nếu đạt mức tăng trưởng như quy định tại tiêu chuẩn 5.2 thì mới được xét thưởng.
Điều 6. Hình thức khen thưởng và mức khen thưởng:
Ngoài bằng khen do Bộ Thương mại cấp (trường hợp thương nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc thì Bộ trưởng Bộ Thương mại đề nghị Thủ tướng Chính phủ khen), thương nhân đạt tiêu chuẩn quy định tại Điều 5 còn được thưởng tiền từ quỹ hỗ trợ xuất khẩu theo mức quy định sau:
6.1. Thương nhân đạt tiêu chuẩn 5.1 (Điều 5) được thưởng 1% kim ngạch xuất khẩu tính bằng tiền Việt Nam trên trị giá FOB, theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng tại thời điểm xét thưởng, nhưng tối đa không quá 150 triệu đồng Việt Nam cho một trường hợp.
6.2. Thương nhân đạt tiêu chuẩn 5.2, 5.4, 5.5 (Điều 5) được xét xếp hạng theo từng tiêu chuẩn chia theo nhóm hàng và cứ mỗi tiêu chuẩn chọn 10 thương nhân có thành tích cao nhất để thưởng với mức từ 50 - 100 triệu đồng cho mỗi thương nhân về một tiêu chuẩn. Những thương nhân còn lại được thưởng khuyến khích với mức thấp hơn, nhưng mức thưởng không quá 50% mứa thấp nhất của 10 thương nhân có thành tích cao nhất.
6.3. Thương nhân đạt tiêu chuẩn 5.3 (Điều 5) được thưởng 40 triệu đồng cho mỗi trường hợp nhận được huy chương hoặc văn bằng xác nhận chất lượng hàng hoá.
6.4. Trong trường hợp thương nhân đạt được nhiều tiêu chuẩn thì mỗi tiêu chuẩn được xét thưởng riêng, nhưng tổng mức tiền thưởng tối đa không vượt quá 300 triệu đồng.
6.5. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thành tích khen thưởng được tính chung cho các tiêu chuẩn gộp lại.
Chương 3
THỦ TỤC XÉT KHEN THƯỞNG
Điều 7. Căn cứ tiêu chuẩn quy định tại Điều 5 của Quy chế này, thương nhân đề nghị xét thưởng gửi hồ sơ đến Bộ Thương mại gồm những văn bản sau:
Tiêu chuẩn 5.1:
- Báo cáo thành tích xuất khẩu của thương nhân theo mẫu số 1.
- Giải trình cụ thể về quy trình công nghệ kỹ thuật để sản xuất mặt hàng mới (có ảnh hoặc mẫu sản phẩm kèm theo).
- Hợp đồng xuất khẩu và bản sao các tờ khai hải quan chứng minh chính xác, đầy đủ trị giá lô hàng xuất khẩu đề nghị xét thưởng.
- Báo cáo hiệu quả xuất khẩu được tính toán trên cơ sở từng mặt hàng cụ thể đề nghị xét thưởng. Tiêu thức chủ yếu để xác định hiệu quả là việc xuất khẩu mặt hàng đó thu được đủ vốn, có lãi (là mức thực lãi từ việc xuất khẩu sau khi đã trừ tổng chi phí, các khoản chi sau thuế... cho việc xuất khẩu loại hàng đó).
Tiêu chuẩn 5.3:
- Đơn đề nghị khen thưởng và bản sao giấy chứng nhận hoặc văn bản chứng nhận về chất lượng hàng hoá.
Tiêu chuẩn 5.2, 5.4, 5.5:
- Báo cáo thành tích của thương nhân theo mẫu số 2.
- Báo cáo xuất khẩu mặt hàng/nước hàng năm của thương nhân (theo mẫu của Tổng cục Thống kê đã ban hành. Nếu là tiêu chuẩn 5.2 thì gửi thêm báo cáo thực hiện của năm trước). Trường hợp thương nhân đề nghị xét thưởng từ hai tiêu chuẩn trở lên cũng chỉ gửi một báo cáo.
- Báo cáo quyết toán tài chính hàng năm của thương nhân.
Đối với hàng đổi hàng: Thương nhân gửi đơn đề nghị Bộ Thương mại xác nhận theo mẫu số 3.
Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:
- Báo cáo cụ thể tình hình thực hiện nghĩa vụ xuất khẩu đã ghi trong giấy phép đầu tư có xác nhận của cơ quan quản lý trực tiếp (khu công nghiệp, UBND tỉnh, thành phố…). Tuỳ theo thành tích mà áp dụng theo các mẫu số 1, 2.
- Bản sao giấy phép đầu tư.
Điều 8. Để giúp Bộ trưởng Bộ Thương mại xem xét quyết định việc khen thưởng có Hội đồng xét thưởng gồm:
- Thứ trưởng Bộ Thương mại là chủ tịch Hội đồng.
- Một lãnh đạo Vụ quản lý Xuất nhập khẩu, Bộ Thương mại là uỷ viên thường trực.
- Một lãnh đạo cấp vụ Bộ Tài chính là uỷ viên.
- Một lãnh đạo Vụ Kế hoạch thống kê, Bộ Thương mại là uỷ viên.
- Một lãnh đạo Vụ Tài chính kế toán, Bộ Thương mại là uỷ viên.
Hội đồng có tổ chức chuyên viên (mỗi vụ thuộc thành viên Hội đồng cử từ một đến hai chuyên viên tham gia) giúp việc cho Hội đồng để thẩm định, thụ lý hồ sơ trình Hội đồng xét thưởng xem xét.
Điều 9. Căn cứ báo cáo đề nghị xét thưởng của thương nhân, Hội đồng xét thưởng có trách nhiệm kiểm tra đối chiếu với số liệu thống kê của Hải quan, Tổng cục Thống kê để xem xét và kiến nghị Bộ trưởng Bộ Thương mại quyết định khen thưởng cho từng thương nhân đạt tiêu chuẩn quy định. Hạn nộp hồ sơ trước ngày 30 tháng 4 hàng năm.
Hồ sơ xét thưởng được lập thành hai bộ gửi về Bộ Thương mại – 31 Tràng Tiền, Hà Nội (ghi rõ: tên, địa chỉ, số điện thoại, fax, số tài khoản tiền Việt Nam, tên Ngân hàng mở tài khoản):
- Một bộ gửi vụ Xuất nhập khẩu
- Một bộ gửi Vụ Kế hoạch Thống kê
Điều 10. Việc xét thưởng được tiến hành trong Quý II hàng năm. Trước khi công bố quyết định khen thưởng thương nhận đạt tiêu chuẩn 5.1, Hội đồng xét thưởng thông báo công khai dự kiến danh sách thương nhân được thưởng trên báo Nhân Dân, báo Thương mại.
Chương 4
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Quyết định khen thưởng của Bộ Thương mại được công bố công khai trên báo Thương mại. Bộ Thương mại tổ chức trao thưởng cho một số thương nhân tiêu biểu.
Điều 12. Bộ Tài chính chuyển chi số tiền thưởng theo Quyết định của Bộ Thương mại vào tài khoản của Thương nhân. Thương nhân được chyển số tiền được thưởng vào quỹ khen thưởng của đơn vị và sử dụng tiền thưởng để phát triển kinh doanh và/hoặc phân chia tiền thưởng của mình cho các tập thể, cá nhân trong và ngoài đơn vị có công sức đóng góp vào thành tích được thưởng.
Điều 13. Hàng năm Hội đồng xét thưởng xuất khẩu có dự toán tiền thưởng và các khoản chi cho hoạt động xét thưởng của Hội đồng (như việc thẩm định hồ sơ xét thưởng, in ấn tài liệu, bằng khen, đăng đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các cuộc họp xét thưởng và tổng kết hàng năm…) để Bộ Tài chính tổng hợp đưa vào dự toán chung.
Điều 14. Bộ Thương mại đề nghị các cơ quan thuộc Chính phủ, các Bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan Trung ương của các đoàn thể thông báo nội dung quy chế này cho các thương nhân thuộc quyền quản lý của mình biết, thực hiện, đồng thời phản ánh cho Bộ Thương mại những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Việc sửa đổi, bổ sung quy chế do Bộ trưởng Bộ Thương mại quyết định sau khi trao đổi ý kiến với Bộ Tài chính.
MẪU SỐ 1
BÁO CÁO THÀNH TÍCH XUẤT KHẨU
THEO TIÊU CHUẨN 5.1
Tên đơn vị:
Địa chỉ:
Số điện thoại:
Số FAX:
Số tài khoản tiền VNĐ:
Tên ngân hàng mở tài khoản:
TT |
Mặt hàng, thị trường mới xuất khẩu lần đầu |
Thành tích xuất khẩu |
Ghi chú về tình hình thanh toán |
|
Số lượng |
Trị giá FOB (USD) |
|||
A. Mặt hàng mới (Tên hàng) - Thị trường A - Thị trường B ………. B. Thị trường mới (theo từng mặt hàng xuất sang từng thị trường) |
(thanh toán qua NH nào, thanh toán chưa?) |
Xác nhận của cơ quan chủ quản (UBND, Sở quản lý, Ban QL KCN…) |
…, ngày.... tháng... năm... Thủ trưởng đơn vị (ký và đóng dấu) |
MẪU SỐ 2
BÁO CÁO THÀNH TÍCH XUẤT KHẨU
THEO TIÊU CHUẨN 5.2, 5.4, 5.5
Tên đơn vị:
Địa chỉ:
Số điện thoại:
Số FAX:
Số tài khoản tiền VNĐ:
Tên ngân hàng mở tài khoản:
Đơn vị tính: 1000 USD
TT |
Mặt hàng/Thị trường |
Thực hiện năm trước (Trị giá FOB) |
Thực hiện năm báo cáo |
Ghi chú về hình thức thanh toán |
Tổng trị giá
Trong đó:
- Hàng hạn ngạch
- Hàng theo hợp đồng Chính phủ
- Hàng đổi hàng có quy định riêng
Trị giá còn lại
Xác nhận của cơ quan chủ quản (UBND, Sở quản lý, Ban QL KCN) |
……, ngày... tháng... năm..... Thủ trưởng đơn vị (Ký và đóng dấu) |
Ghi chú: nếu theo tiêu chuẩn 5.4; 5.5 thì bỏ cột thực hiện năm trước.
MẪU SỐ 3
ĐƠN XIN XÁC NHẬN HÀNG XUẤT KHẨU
THEO PHƯƠNG THỨC HÀNG ĐỔI HÀNG
Kính gửi: Bộ Thương Mại
Tên đơn vị:
Địa chỉ:
Số điện thoại:
Số FAX:
Số tài khoản tiền VNĐ:
Tên ngân hàng mở tài khoản:
Xin được xác nhận về hàng xuất khẩu theo phương thức hàng đổi hàng không có quy định riêng năm…
Đơn vị tính: 1000 USD
TT |
Thị trường/Mặt hàng |
Thực hiện năm trước |
Thực hiện năm báo cáo |
Ghi chú |
||
Số lượng |
Trị giá |
Số lượng |
Trị giá |
|||
Tổng kim ngạch
- Thị trường A
Mặt hàng A
Mặt hàng B
…..
- Thị trường B
Xác nhận của Bộ Thương mại |
……, ngày... tháng... năm.... Thủ trưởng đơn vị (Ký và đóng dấu) |
Ghi chú: Nếu theo tiêu chuẩn 5.4, 5.5 thì bỏ cột thực hiện năm trước.