Tel: +84 4 35742022 | Fax: +84 4 35742020

Tìm kiếm cho doanh nghiệp

Thông tin chi tiết

Thông tư 37/2021/TT-BGTVT hướng dẫn giá dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí thường xuyên, thực hiện theo phương thức đặt hàng

Số/Ký hiệu 37/2021/TT-BGTVT
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông Vận tải
Loại văn bản Thông tư
Người ký Nguyễn Xuân Sang
Ngày ban hành 30/12/2021
Ngày hiệu lực 15/02/2022
Ngày hết hiệu lực
Hiệu lực văn bản Còn hiệu lực
Tệp đính kèm

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/2021/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2021

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN GIÁ DỊCH VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG BẢO ĐẢM AN TOÀN HÀNG HẢI SỬ DỤNG KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TỪ NGUỒN KINH PHÍ THƯỜNG XUYÊN, THỰC HIỆN THEO PHƯƠNG THỨC ĐẶT HÀNG

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Giá ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 2 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải;

Căn cứ Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá;

Căn cứ Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá;

Căn cứ Nghị định số 43/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải;

Căn cứ Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư hướng dẫn giá dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí thường xuyên, thực hiện theo phương thức đặt hàng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn giá dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí thường xuyên, thực hiện theo phương thức đặt hàng đối với:

1. Dịch vụ sự nghiệp công vận hành hệ thống đèn biển, đăng tiêu độc lập.

2. Dịch vụ sự nghiệp công vận hành, bảo trì hệ thống luồng hàng hải công cộng, bao gồm cả đê chắn sóng, đê chắn cát, kè hướng dòng và kè bảo vệ bờ luồng hàng hải (sau đây gọi là dịch vụ vận hành, bảo trì hệ thống luồng hàng hải công cộng).

3. Dịch vụ sự nghiệp công khảo sát phục vụ công bố thông báo hàng hải đối với luồng hàng hải công cộng, bao gồm cả vị trí đón trả hoa tiêu (sau đây gọi là dịch vụ khảo sát phục vụ công bố thông báo hàng hải đối với luồng hàng hải công cộng).

4. Dịch vụ sự nghiệp công nhiệm vụ đột xuất bảo đảm an toàn hàng hải.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp có liên quan đến việc cung ứng dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí thường xuyên, thực hiện theo phương thức đặt hàng.

Điều 3. Nguyên tắc xác định giá

1. Giá dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải được xác định đảm bảo bù đắp chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ, có lợi nhuận phù hợp để hoàn thành một đơn vị khối lượng dịch vụ sự nghiệp công trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật do các cơ quan có thẩm quyền ban hành và các quy định khác có liên quan; không bao gồm những khoản chi phí để phục vụ cho các hoạt động sản xuất khác ngoài dịch vụ sự nghiệp công.

2. Không tính vào giá các khoản chi phí đã được ngân sách nhà nước đảm bảo; không tính các chi phí đã xác định trong sản phẩm dịch vụ khác.

Đối với chi phí chung và chi phí liên quan đến nhiều sản phẩm mà không thể tách riêng ra thì cần được tập hợp và phân bổ theo tiêu thức thích hợp, phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan cho từng sản phẩm.

Chương II

GIÁ DỊCH VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG BẢO ĐẢM AN TOÀN HÀNG HẢI

Điều 4. Kết cấu và cách xác định giá dịch vụ sự nghiệp công vận hành hệ thống đèn biển, đăng tiêu độc lập; vận hành, bảo trì hệ thống luồng hàng hải công cộng

1. Kết cấu giá dịch vụ sự nghiệp công vận hành hệ thống đèn biển, đăng tiêu độc lập; vận hành, bảo trì hệ thống luồng hàng hải công cộng thực hiện theo quy định tại mục I Phụ lục ban hành kèm Thông tư này.

2. Cách xác định giá dịch vụ sự nghiệp công vận hành hệ thống đèn biển, đăng tiêu độc lập; vận hành, bảo trì hệ thống luồng hàng hải công cộng thực hiện theo quy định tại mục II Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Giá dịch vụ sự nghiệp công khảo sát phục vụ công bố thông báo hàng hải đối với luồng hàng hải công cộng

Giá dịch vụ sự nghiệp công khảo sát phục vụ công bố thông báo hàng hải đối với luồng hàng hải công cộng thực hiện theo hướng dẫn xác định và quản lý chi phí khảo sát xây dựng của Bộ trưởng Bộ Xây dựng; trong đó mức hao phí vật liệu, lao động, máy thi công trực tiếp áp dụng theo định mức kinh tế - kỹ thuật khảo sát bảo đảm an toàn hàng hải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.

Điều 6. Giá dịch vụ sự nghiệp công nhiệm vụ đột xuất bảo đảm an toàn hàng hải

Giá dịch vụ sự nghiệp công nhiệm vụ đột xuất bảo đảm an toàn hàng hải thực hiện theo hướng dẫn xác định và quản lý chi phí của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Đối với mức hao phí vật liệu, lao động, máy thi công trực tiếp: những nhiệm vụ đã có tại định mức kinh tế - kỹ thuật do Bộ trưởng Giao thông vận tải ban hành thì áp dụng theo định mức kinh tế - kỹ thuật này; những nhiệm vụ chưa có trong định mức kinh tế - kỹ thuật do Bộ trưởng Giao thông vận tải ban hành thì áp dụng theo định mức kinh tế - kỹ thuật do Bộ trưởng Xây dựng ban hành.

Điều 7. Thẩm quyền, thời hạn, trình tự thẩm định và quyết định giá

Thẩm quyền, thời hạn, trình tự thẩm định và quyết định giá thực hiện theo quy định tại Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá. Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2022 và áp dụng từ năm tài chính 2022.

2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì được thực hiện theo quy định tại văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, các Vụ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị có liên quan báo cáo về Bộ Giao thông vận tải để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 


Nơi nhận:
- Như khoản 1 Điều 9;
- Bộ trưởng Bộ GTVT;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng TTĐT Bộ GTVT;
- Báo Giao thông, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, TC (3b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Xuân Sang

 

PHỤ LỤC

KẾT CẤU VÀ CÁCH XÁC ĐỊNH GIÁ DỊCH VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG VẬN HÀNH HỆ THỐNG ĐÈN BIỂN, ĐĂNG TIÊU ĐỘC LẬP; VẬN HÀNH, BẢO TRÌ HỆ THỐNG LUỒNG HÀNG HẢI CÔNG CỘNG SỬ DỤNG KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TỪ NGUỒN KINH PHÍ THƯỜNG XUYÊN, THỰC HIỆN THEO PHƯƠNG THỨC ĐẶT HÀNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 37/2021/TT-BGTVT ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

I. Kết cấu giá dịch vụ sự nghiệp công vận hành hệ thống đèn biển, đăng tiêu độc lập; vận hành, bảo trì hệ thống luồng hàng hải công cộng

TT

Nội dung

Cách tính

Ký hiệu

1

Chi phí trực tiếp

CVL + CNC + CKH + CSC

CTT

1.1

Chi phí nguyên liệu, vật liệu, dụng cụ, nhiên liệu, năng lượng trực tiếp

 

CVL

1.2

Chi phí nhân công trực tiếp

 

CNC

1.3

Chi phí khấu hao tài sản cố định

trực tiếp

 

CKH

1.4

Chi phí sửa chữa tài sản trực tiếp

 

CSC

2

Chi phí chung

CNC x tỷ lệ %

CC

3

Lợi nhuận dự kiến

(CTT + CC) x tỷ lệ %

L

 

Giá dịch vụ sự nghiệp công trước thuế

CTT + CC + L

GTT

4

Thuế giá trị gia tăng

GTT x MTS

TGTGT

 

Giá dịch vụ sự nghiệp công sau thuế

GTT + TGTGT

G

II. Cách xác định

1. Chi phí trực tiếp (CTT): bao gồm chi phí nguyên liệu, vật liệu, dụng cụ, nhiên liệu, năng lượng trực tiếp (CVL); chi phí nhân công trực tiếp (CNC); chi phí khấu hao tài sản cố định trực tiếp (CKH); chi phí sửa chữa tài sản trực tiếp (CSC)

CTT = CVL + CNC + CKH + CSC

1.1. Chi phí nguyên liệu, vật liệu, dụng cụ, nhiên liệu, năng lượng trực tiếp (CVL)

a) Chi phí nguyên liệu, vật liệu, dụng cụ, nhiên liệu, năng lượng trực tiếp (gọi chung là chi phí vật tư) bao gồm:

- Chi phí nhiên liệu bao gồm: xăng, dầu, dầu bôi trơn cho việc vận hành máy phát điện, phương tiện phục vụ công tác vận hành đèn biển, đăng tiêu độc lập; vận hành, bảo trì hệ thống luồng hàng hải công cộng;

- Chi phí điện năng;

- Chi phí phụ tùng thay thế;

- Chi phí vật tư phục vụ bảo dưỡng;

- Chí phí dụng cụ.

b) Cách xác định

- Các khoản chi phí nguyên liệu, vật liệu, dụng cụ, nhiên liệu, năng lượng trực tiếp được xác định trên cơ sở mức tiêu hao vật tư quy định tại định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành (sau đây được gọi là định mức) nhân (x) với giá vật tư.

- Giá vật tư được xác định như sau:

+ Đối với vật tư do Nhà nước định giá: Tính theo giá do Nhà nước quy định cộng (+) chi phí lưu thông hợp lý (nếu có);

+ Đối với vật tư mua ngoài: Nếu không có đầy đủ chứng từ, hóa đơn theo quy định thì tính theo mức giá công bố của địa phương hoặc mức thấp nhất từ các nguồn thông tin như giá thị trường do tổ chức có chức năng cung cấp; hoặc báo giá của nhà sản xuất, thông tin giá của nhà cung cấp. Nếu có đầy đủ chứng từ, hóa đơn theo quy định thì tính theo mức thấp nhất từ: giá đã được áp dụng cho sản phẩm khác trên cùng địa bàn (khu vực) có tiêu chuẩn, chất lượng tương tự; hoặc giá mua ghi trên hóa đơn mua/bán hàng; hoặc giá trúng thầu, giá trúng đấu giá, giá niêm yết cộng (+) chi phí hợp lý, hợp lệ để đưa vật tư về đến kho của doanh nghiệp (nếu có).

1.2. Chi phí nhân công trực tiếp (CNC)

a) Chi phí nhân công trực tiếp là chi phí tiền lương và các khoản phụ cấp theo quy định của người lao động vận hành hệ thống đèn biển, đăng tiêu độc lập; vận hành, bảo trì hệ thống luồng hàng hải công cộng; thuyền viên vận hành phương tiện phục vụ.

b) Cách xác định

Chi phí tiền lương trực tiếp được xác định trên cơ sở hao phí lao động theo định mức và hướng dẫn xác định tiền lương trong giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp đơn giá nhân công của lao động trực tiếp do cơ quan có thẩm quyền ban hành đã bao gồm chi phí bảo hiểm (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn) thuộc trách nhiệm đóng của người sử dụng lao động đối với lao động trực tiếp theo quy định thì phải loại trừ phần chi phí bảo hiểm thuộc trách nhiệm đóng của người sử dụng lao động trong đơn giá nhân công khi xác định chi phí nhân công trong chi phí trực tiếp (NC) và các chi phí có liên quan được xác định theo chi phí nhân công trong chi phí trực tiếp (nếu có).

1.3. Chi phí khấu hao tài sản cố định trực tiếp (CKH)

a) Chi phí khấu hao tài sản cố định trực tiếp cung ứng dịch vụ sự nghiệp công đảm bảo an toàn hàng hải được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định trong doanh nghiệp.

b) Đối với những tài sản là công trình, nhà trạm và tài sản cố định gắn với từng đèn biển, đăng tiêu độc lập, luồng hàng hải công cộng: Chi phí khấu hao tài sản cố định được tính riêng cho từng đèn biển, đăng tiêu độc lập, các luồng hàng hải công cộng. Đối với những tài sản là phương tiện thủy, phương tiện bộ và tài sản cố định sử dụng chung cho vận hành hệ thống đèn biển, đăng tiêu độc lập, luồng hàng hải công cộng: Chi phí khấu hao tài sản cố định được phân bổ bình quân cho các đèn biển, đăng tiêu độc lập, các luồng hàng hải công cộng.

1.4. Chi phí sửa chữa tài sản trực tiếp (CSC)

a) Chi phí sửa chữa tài sản trực tiếp là khoản chi phí nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật của các tài sản trực tiếp (công trình đèn biển, đăng tiêu độc lập, nhà trạm và công trình phụ trợ gắn với đèn biển, đăng tiêu độc lập; nhà trạm, cầu tàu phục vụ quản lý vận hành phao tiêu, đăng tiêu báo hiệu luồng hàng hải công cộng; phương tiện thủy, bộ; máy phát điện; phao báo hiệu hàng hải; thiết bị báo hiệu hàng hải và thiết bị nguồn năng lượng; hệ thống thông tin liên lạc; hệ thống chống sét và tài sản cố định dùng chung cho vận hành hệ thống đèn biển, đăng tiêu độc lập, luồng hàng hải công cộng) bảo đảm để các tài sản hoạt động bình thường và an toàn khi sử dụng, khai thác.

Chi phí sửa chữa tài sản trực tiếp bao gồm chi phí sửa chữa cơ khí (CCK) và chi phí sửa chữa công trình (CCT).

b) Cách xác định:

CSC = CCK + CCT

Trong đó:

+ Chi phí sửa chữa cơ khí là chi phí để sửa chữa các tài sản gồm: Phương tiện thủy, bộ; máy phát điện; phao báo hiệu hàng hải; thiết bị báo hiệu hàng hải và thiết bị nguồn năng lượng; hệ thống thông tin liên lạc; hệ thống chống sét. Chi phí sửa chữa cơ khí được xác định trên cơ sở tổng chi phí nguyên liệu, vật liệu, dụng cụ, nhiên liệu, năng lượng trực tiếp với chi phí nhân công trực tiếp (CVL + CNC ) và tỷ lệ chi phí sửa chữa cơ khí quy định tại bảng dưới đây.

CCK = (CVL + CNC) x tỷ lệ chi phí sửa chữa cơ khí

+ Chi phí sửa chữa công trình là chi phí để sửa chữa các tài sản gồm: công trình đèn biển, đăng tiêu độc lập, nhà trạm và công trình phụ trợ gắn với đèn biển, đăng tiêu độc lập; nhà trạm, cầu tàu phục vụ quản lý vận hành phao tiêu, đăng tiêu báo hiệu luồng hàng hải công cộng; tài sản cố định dùng chung cho vận hành hệ thống đèn biển, đăng tiêu độc lập, luồng hàng hải công cộng. Chi phí sửa chữa công trình được xác định trên cơ sở tổng chi phí nguyên liệu, vật liệu, dụng cụ, nhiên liệu, năng lượng trực tiếp với chi phí nhân công trực tiếp (CVL + CNC) và tỷ lệ chi phí sửa chữa công trình quy định tại bảng dưới đây.

CCT = (CVL + CNC) x tỷ lệ chi phí sửa chữa công trình

2. Chi phí chung (CC)

a) Chi phí chung bao gồm:

- Chi phí tiền lương, ăn ca và các khoản trích theo lương của khối lao động quản lý; các khoản trích theo lương của người lao động vận hành hệ thống đèn biển, đăng tiêu độc lập; vận hành, bảo trì hệ thống luồng hàng hải công cộng và thuyền viên vận hành phương tiện phục vụ; chi trợ cấp thôi việc.

- Chí phí khấu hao, chi phí sửa chữa, chi phí mua bảo hiểm tài sản cố định dùng chung phục vụ vận hành hệ thống đèn biển, đăng tiêu độc lập; vận hành, bảo trì hệ thống luồng hàng hải công cộng.

- Chi phí công cụ dụng cụ, văn phòng phẩm, đồ dùng văn phòng dùng cho bộ phận quản lý.

- Thuế, phí và lệ phí như: thuế môn bài, tiền thuê đất dùng cho bộ phận quản lý và các khoản phí, lệ phí khác.

- Chi phí dịch vụ mua ngoài phục vụ cho công tác quản lý; chi phí điện nước, điện thoại, chi phí hội nghị, tiếp khách, công tác phí, tàu xe, bảo hộ lao động, đồng phục, đào tạo, quân sự, y tế, khoản chi cho lao động nữ, nghiên cứu, đào tạo và các chi phí hợp lý liên quan khác.

b) Cách xác định: Chi phí chung được xác định trên cơ sở chi phí nhân công trực tiếp và tỷ lệ chi phí chung theo bảng tỷ lệ các chi phí và lợi nhuận dự kiến dưới đây.

CC = CNC x tỷ lệ chi phí chung

3. Lợi nhuận dự kiến (L)

Lợi nhuận dự kiến được xác định trên cơ sở tổng chi phí trực tiếp với chi phí chung và tỷ lệ lợi nhuận dự kiến theo bảng tỷ lệ các chi phí và lợi nhuận dự

kiến dưới đây.

L = (CTT + CC) x tỷ lệ lợi nhuận dự kiến

Bảng tỷ lệ các chi phí và lợi nhuận dự kiến

TT

Nội dung

Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc

Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam

I

Vận hành đèn biển, đăng tiêu độc lập

 

 

1

Tỷ lệ chi phí sửa chữa cơ khí (%)

13

9,5

2

Tỷ lệ chi phí sửa chữa công trình (%)

4,2

4,0

3

Tỷ lệ chi phí chung (%)

43,3

43,3

4

Tỷ lệ lợi nhuận dự kiến (%)

7,2

7,2

II

Vận hành luồng hàng hải công cộng

 

 

1

Tỷ lệ chi phí sửa chữa cơ khí (%)

21

24

2

Tỷ lệ chi phí sửa chữa công trình (%)

1,5

2,3

3

Tỷ lệ chi phí chung (%)

43,3

43,3

4

Tỷ lệ lợi nhuận dự kiến (%)

7,2

7,2

4. Thuế giá trị gia tăng (TGTGT)

TGTGT = GTT X MTS

Trong đó: MTS là mức thuế suất thuế giá trị gia tăng theo quy định

Giá dịch vụ sự nghiệp công sau thuế (G)

G = GTT + TGTGT

 

Xem thêm

Văn bản khác