BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN - BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2015/TTLT-BNNPTNT-BTC |
Hà Nội, ngày 03 tháng 3 năm 2015 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN CHI TIẾT CÁC MẶT HÀNG THUỘC LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN THỰC HIỆN BÌNH ỔN GIÁ VÀ KÊ KHAI GIÁ
Căn cứ Luật Giá số 11/2012/QH13 ngày 20/06/2012;
Căn cứ Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá;
Căn cứ Nghị định 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn chi tiết các mặt hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện bình ổn giá và kê khai giá.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư liên tịch này quy định chi tiết mặt hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện bình ổn giá và kê khai giá.
1. Mặt hàng thực hiện bình ổn giá: phân đạm urê, phân NPK; thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ; vac-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; muối ăn; thóc, gạo tẻ thường.
2. Mặt hàng thực hiện kê khai giá: thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm và thủy sản; thuốc tiêu độc, sát trùng, tẩy trùng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản và các mặt hàng tại Khoản 1 Điều này trong thời gian Nhà nước không áp dụng biện pháp đăng ký giá.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; cơ quan nhà nước; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bình ổn giá và kê khai giá thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trên lãnh thổ Việt Nam.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1. Mặt hàng bình ổn giá
Điều 3. Mặt hàng phân bón thực hiện bình ổn giá
1. Phân đạm urê có hàm lượng Nitơ (N) tổng số ≥ 46%;
2. Phân NPK có tổng hàm lượng các chất dinh dưỡng Nitơ tổng số (Nts), lân hữu hiệu (P2O5hh), kali hữu hiệu (K2Ohh) ≥ 18%.
Điều 4. Mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật có chứa các hoạt chất thực hiện bình ổn giá
1. Thuốc trừ sâu: Fenobucarb (min 96%); Pymethrozin (min 95%); Dinotefuran (min 89%); Ethofenprox (min 96%); Buprofezin (min 98%); Imidacloprid (min 96%); Fipronil (min 96%).
2. Thuốc trừ bệnh: Isoprothiolane (min 96%); Tricyclazole (min 95%); Kasugamycin (min 70%); Fenoxanil (min 95%); Fosetyl-aluminium (min 95 %); Metalaxy (min 95%); Mancozeb (min 95%); Zined (min 80%).
3. Thuốc trừ cỏ: Glyphosate (min 95%); Pretilachlor; Quinclorac (min 99%); Ametryn (min 96 %).
Điều 5. Mặt hàng vac-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm thực hiện bình ổn giá
1. Vac-xin phòng bệnh cho gia súc: vac-xin Lở mồm long móng; Vac-xin Tai xanh (PRRS); vac-xin tụ huyết trùng; vac-xin dịch tả lợn.
2. Vac-xin phòng bệnh cho gia cầm: vac-xin cúm gia cầm, vac-xin dịch tả vịt, Newcastle.
Điều 6. Mặt hàng muối ăn thực hiện bình ổn giá
Muối thô, muối tinh và muối iốt do các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.
Điều 7. Mặt hàng thóc, gạo tẻ thường thực hiện bình ổn giá
Thóc, gạo tẻ thường do các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.
Mục 2. Mặt hàng kê khai giá
Điều 8. Mặt hàng thực hiện kê khai giá
1. Các mặt hàng quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Thông tư liên tịch này trong thời gian Nhà nước không áp dụng biện pháp đăng ký giá.
2. Thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản
a) Ngô, khô dầu đậu tương;
b) Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc dùng cho chăn nuôi lợn thịt, gà thịt và vịt đẻ;
c) Thức ăn hỗn hợp dùng để nuôi cá tra, cá ba sa, cá rô phi;
d) Thức ăn hỗn hợp dùng để nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh.
3. Thuốc tiêu độc, sát trùng, tẩy trùng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản trong thành phần có hoạt chất
a) Thuốc tiêu độc, sát trùng, tẩy trùng: Chloramin; Iodine; Benzalkonium; Glutaraldehyde; Chlorine; thuốc tím (KMnO4); Formol; Sulfate đồng (CuSO4).
b) Thuốc trị bệnh: Ampicillin, Amoxicillin; Colistin; Florfenicol; Tylosin; Doxycyclin; Gentamycine; Spiramycin; Oxytetracyline; Kanammycin; Streptomycin; Lincomycin; Celphalexin; Flumequin.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 9. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá để bổ sung, sửa đổi hướng dẫn chi tiết mặt hàng thực hiện bình ổn giá, kê khai giá quy định tại các Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7 Mục 1 và Điều 8 Mục 2 của Thông tư liên tịch này phù hợp với từng thời kỳ.
2. Bộ Tài chính thực hiện quản lý giá theo quy định của pháp luật về giá đối với các mặt hàng bình ổn giá, kê khai giá quy định tại các Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Điều 8 Thông tư liên tịch này.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân tỉnh) thực hiện quản lý giá tại địa phương theo quy định của pháp luật về giá đối với các mặt hàng bình ổn giá, kê khai giá quy định tại các Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Điều 8 Thông tư liên tịch này.
4. Các tổ chức, cá nhân có liên quan
a) Thực hiện bình ổn giá các mặt hàng quy định tại các Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 6 và Điều 7 của Thông tư liên tịch này theo quy định của pháp luật về giá.
b) Thực hiện kê khai giá các mặt hàng quy định tại Điều 8 Thông tư liên tịch này theo quy định của pháp luật về giá.
Điều 10. Hiệu lực thi hành
Thông tư liên tịch này có hiệu lực từ ngày 20 tháng 4 năm 2015.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính để hướng dẫn, giải quyết kịp thời./.
KT. BỘ TRƯỞNG |
KT. BỘ TRƯỞNG |
Nơi nhận: |